Đánh giá Lý Quảng

Lý Quảng anh dũng thiện chiến, khiến quân giặc phải khiếp sợ, do đó ông có biệt danh là Phi tướng quân (tướng quân bay).

Tư Mã Thiên trong sử ký đánh giá cao tư cách và tài năng của Lý Quảng, mô tả ông là một người cao lớn, tay dài như tay vượn, tính tình dũng cảm, thanh liêm, được tiền thưởng là chia ngay cho người dưới, ăn uống chung với quân lính, trong nhà thường không có của cải thừa. Ngoài ra ông thường lấy việc bắn tên để tiêu khiển.

Ở cuối phần liệt truyện về Lý Quảng, Tư Mã Thiên nhận xét

Sách dạy rằng: "Thân mình mà chính, không ra lệnh người ta cũng làm. Thân mình mà không chính, dù ra lệnh cũng không ai theo!".[22] Đó phải chăng là chuyện Lý tướng quân!.[23] Tôi xem Lý tướng quân chất phác như người nhà quê, miệng nói chẳng nên lời. Đến khi chết trong thiên hạ quen hay không quen, đều hết sức thương xót. Đó là vì lòng trung thực của ông làm cho tướng sĩ tin yêu. Tục ngữ có câu: "Đào mận không nói, dưới gốc tự nhiên thành đường!". Câu ấy tuy nói việc nhỏ, có thể hiểu ra lẽ lớn vậy

Thi nhân Vương Xương Linh thời nhà Đường có bài thơ khen ngợ Lý Quảng

Tần thời minh nguyệt Hán thời quan/Vạn lý trường chinh nhân vị hoàn/Đãn sử long thành phi tương[24] tại/Bất giáo hồ mã độ âm san.

Ngoài ra, trong bộ tiểu thuyết nổi tiếng Thủy Hử, tác giả cũng đã xây dựng một hình tượng nhân vật thiện xạ giỏi bắn tên là Hoa Vinh, so sánh tài năng của y với ông qua biệt danh Tiểu Lý Quảng.[25]

Tuy nhiên trong sử ký lại nêu một số việc này làm kì quặc của Lý Quảng như giết đình úy Bá Lăng chỉ vì ông ta cấm mình đi đêm, dụ hàng hơn tám trăm người rồi lừa họ giết cả trong một ngày... Ngoài ra trong cuộc đời cầm quân, Lý Quảng rất ít khi lập công trạng, mà thường thất bại, hao quân tổn tướng. Về việc này, sử gia Tư Mã Quang đánh giá ông thua kém với Trình Bất Thức cũng là tướng đương thời, tuy không lập công nhưng cũng không bại. Bất Thức cũng từng nói:

Cách chỉ huy quân của Lý Quảng rất giản dị, nhưng nếu quân địch đột nhiên phạm vào, thì không lấy gì chống lại. Có điều quân lính họ sung sướng, thoải mái đều vui lòng chết cho tướng. Quân của ta tuy phiền nhiễu, nhưng quân địch không phạm nổi ta.[26]

Các tướng lĩnh thời cổ thường chủ trương trị quân phải nghiêm minh thì quân mới phục, nhưng Lý Quảng thì ngược lại, luôn khoan dung với cấp dưới của mình, đến nỗi quân không chia ra bộ, ngũ; không bày thành thế trận; đóng đồn gần những nơi sẵn nước, sẵn cỏ, ai nấy đều cho là tiện; đêm không đánh cồng để tự vệ; trong quân doanh giảm giấy tờ, sổ sách, trái hẳn với Trình Bất Thức trong quân chia ra bộ, khoe, hàng ngũ; đóng dinh, bày trận phân minh; đêm đánh cồng; các viên lại coi sổ sách quân lính rất rõ ràng, lính không được nghỉ ngơi. Các tướng lĩnh và nhà quân sự đời sau cũng cho việc cầm quân của Lý Quảng là tối kị của binh gia và chỉ trích cách làm này của ông, điển hình là Hoàng Thuần Diệu đời nhà Minh.

Tài liệu tham khảo

WikiPedia: Lý Quảng http://zh.wikipedia.org/wiki/s:%E6%BC%A2%E6%9B%B8/... http://zh.wikisource.org/wiki/%E5%8F%B2%E8%A8%98/%... http://zh.wikisource.org/wiki/%E5%8F%B2%E8%A8%98/%... http://zh.wikisource.org/wiki/%E5%8F%B2%E8%A8%98/%... http://zh.wikisource.org/wiki/%E5%8F%B2%E8%A8%98/%... http://zh.wikisource.org/wiki/%E5%8F%B2%E8%A8%98/%... http://zh.wikisource.org/wiki/%E5%8F%B2%E8%A8%98/%... http://zh.wikisource.org/wiki/%E5%8F%B2%E8%A8%98/%... http://zh.wikisource.org/wiki/%E5%8F%B2%E8%A8%98/%... http://zh.wikisource.org/wiki/%E6%96%B0%E5%94%90%E...